4/5/16

Tổng hợp những đoạn văn tả đồ vật đặc sắc

Đăng bởi Admin | 4/5/16 | 0 nhận xét
Tổng hợp những đoạn văn tả đồ vật đặc sắc




Bài làm 1: Tả bộ ghế mây

… Điền có bốn các ghế mây. Tất cả đồ đạc trong nhà chỉ có bốn cái ghế mây là có giá.
Chao ôi! Cũng mang tiếng là cái ghế mây. Cái thì xộc xệch, cái thì bốn chân rúm lại, và chẳng cái nào là nước sơn không róc cả ra như da thằng hủi. Trông đủ thảm. Điền không biết giá nhưng Điền đoán chừng mua mới thì cũng đắt. Xóm Điền thì cũng chẳng có nhà nào có đồ đạc đắt tiền như thế. Vợ Điền quý lắm. Chị rất xót xa khi thấy những ông khách cục súc sau khi đã nắc nỏm khen bộ ghế vừa đẹp, vừa thanh, liền đặt cái mông đít to bành bành như cái vại lên mặt ghế, khiến vành ghế phải oằn về phía sau. Như thế, phỏng còn gì là ghế? Cái ghế sắt cũng phải hỏng đừng nói gì là ghế mây.

Những buổi tối có trăng. Điền khuân đủ cả bốn cái ghế ra sân. Rồi Điền gọi vợ con ra. Vợ bê con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn một chiếc. Còn một chiếc Điền dùng mà gác chân. Họ ngồi trên ghế đợi trăng lên.

Bài làm 2: Tả Cốm Hà Nội

…Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kì, và đến mùa cốm các người của Hà Nội ba mươi sáu phố phường vẫn thường ngóng trông các cô hàng cốm xinh xinh, áo quần tươm tất, với cái dấu hiệu đặc biệt là đòn gánh đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng.
Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc giản dị thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sau tết? Không gì hợp hơn với sự vướng vít của tơ hồng, thức quà trong sạch trung thành như cái việc lễ nghi.
Hồng, Cốm tốt đôi và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu thắm đỏ của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền.
Thạch Lam (Trích Hà Nội ba mươi sáu phố phường)

Bài làm 3: Tả cái tủ sách cũ

…Trong nhà cụ Tú Lãm không có vật gì quý giá nhưng cụ có tủ sách đáng giá hơn cả trân châu quý nhất ở trên đời.
Hàng ngày, cụ chỉ bạn với tủ sách. Cụ xem hết quyển này lật sang quyển khác. Cụ nâng niu quyển sách như nâng niu một đóa hoa tươi. Phải trông thấy cụ lấy khăn lau bụi trên chiếc bìa càng sơn mới hiểu cụ giữ gìn tủ sách biết chừng nào.
Thường thường hàng năm, sau những tiết trời nồm gặp ngày nắng chói, cụ mang nong ra phơi sách. Hôm đó, cụ cấm từ cụ bà đến người đầy tớ không được qua lại khoảng sân đó. Cụ cho rằng sách vớ là tối thiêng liêng, phải thận trọng giữ gìn, không được để lũ phàm nhân tục tĩu bén mảng lại gần…
(Toan Ánh)

Bài làm 4: Tả cái hái

…Ông cụ thợ gặt tháo cái hái ở tay ra đưa cho Ban. Cậu lấy để ngắm nghía. Cái hái có một thân chính bằng gỗ dài hơn một cánh tay. Về phía giữa thân có ghép một cái lưỡi bằng thép rát sắc. Một đầu cái thân có buộc dây vòng để luồn cánh tay giữ cho chắc, đầu kia là một thân gỗ khác cũng có khi bằng tre gập lại gần như thước thợ đối với thân chính nhưng nhỏ hơn và vút nhọn như một cái sừng. Người ta dùng cái ấy để vơ lúa rồi đưa lưỡi hái ở giữa thân chính ra cắt.
Ban thử đưa cái hái vào tay, cậu lúng túng mãi chưa biết cầm hái như thế nào cho thuận, ông thợ gặt bèn chỉ bảo cho Ban biết cách cầm hái và cách vơ lúa thế nào cho dễ cắt. Ban chăm chú nghe…”
(Thạch Lam)

Bài làm 5: Tả cái đèn dầu

…Cái đèn nhà tôi làm bằng một thứ đồng đỏ ối như vàng bóng lộn, có thể soi gương. Bình dầu hình trụ nom bè bè, ở giữa đánh đai tròn và chứa được đến gần nửa lít dầu. Trên miệng ống bấc có chụp một cái mũ làm cho ngọn lửa tỏa ra như hoa sen cum cúp để tăng ánh sáng..
Tối đến, tôi rót dầu vào thắp đèn. Ngọn lửa bốc to, tôi vặn bấc xuống cho vừa. Ánh sáng tỏa ra khắp trong phòng. Đèn để giữa, làm cho chúng tôi quây quần lại: mẹ tôi khâu vá, cha tôi đọc sách, còn em tôi hăm hở đọc tiếp chuyện Tấm Cám.
(Nghiêm Toản)

Bài làm 6: Tả tấm bản đồ Việt Nam

Không biết tấm bản đồ Việt Nam treo ở gần bàn cô giáo có tự bao giờ. Nó vẫn còn đẹp và mới lắm!
Tấm bản đồ có kích thước bằng mặt bàn của giáo viên. Trên bản đồ có ít nhất là năm màu cơ bản dùng để biểu thị sự phân bố địa hình của các vùng trong cả nước, Màu xanh nhạt và đậm dần về phía đông là màu của biển cả đại dương. Màu xanh lá mạ là vùng đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và ven biển miền Trung. Màu gạch là màu đồi núi cao nguyên. Càng đậm bao nhiêu là địa hình càng cao bấy nhiêu.
Người ta gọi đất nước mình là bán đảo quả không sai. Từ vùng Trà Cổ tỉnh Quảng Ninh chúng ta men theo bờ biển cong cong dịu dàng, thon thả hình chữ “S” đến cuối cùng của cực Nam Tổ quốc là mũi Cà Mau, bờ biển của ta quả là dài và đẹp đến vô cùng. Rồi biển lại tiếp tục rẽ ngoặt bao lấy địa phương tỉnh Kiên Giang. Nhìn từ Bắc chí Nam mỗi vùng đều được thể hiện một màu sắc riêng biệt. Thành phố Hà Nội màu hồng phấn. Thành phố Hồ Chí Minh màu gạch nung. Các tỉnh Bắc bộ, Nam bộ màu xanh lá mạ rồi những dòng sông lớn như Hồng Hà, Cửu Long… uốn lượn như những dải lụa màu ngọc bích đổ ra biển Đông. Con sông Hồng chở nặng phù sa bồi đắp cho đồng bằng Bắc bộ. Và ở kia, con sông Cửu Long xòe chín nhánh bồi đắp phù sa màu mỡ cho đồng bằng Nam bộ – vựa lúa của Tố quốc.
Tất cả đều gợi lên trong em một dáng hình, một thế đứng ngàn đời, thế đứng của một con rồng đang cất mình bay lên.

Bài làm 7: Tả quyển lịch

Mỗi lần đi học về, nhìn thấy quyển lịch treo ở nhà khách là em biết hôm nay là ngày mấy thứ mấy rồi.
Quyển lịch này do bạn của bố tặng nhân dịp đầu năm mới. Quyển lịch gồm bảy tờ dài năm mươi phân, rộng bốn mươi phân. Các tờ lịch được làm bằng một loại bìa đặc biệt, cứng và trơn bóng. Mỗi tờ lịch là một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hoặc những công trình vĩ đại xưa và nay. Phía dưới các bức tranh nổi bật dòng chữ “Nhà sách Minh Trí” in bằng chữ in hoa và số điện thoại. Phía bên phải, bên trái các cảnh quan là những con số ghi ngày, tuần, tháng được sắp xếp rất khoa học. Các ngày chủ nhật được in bằng mực đỏ tươi, ngày thứ bảy màu xanh đậm. Còn những ngày bình thường in bằng mực đen thẳng hàng ngay lối. Bên cạnh những con số ghi ngày dương lịch còn có những con số ghi ngày tháng âm lịch. Những lúc buồn buồn, em thường gỡ tấm lịch xuống, khoanh tròn những ngày quan trọng như ngày thi học kì, ngày nghỉ tết dương lịch, âm lịch, ngày nghỉ hè và đặc biệt là những ngày sinh nhật của mọi người trong gia đình.
Quyển lịch không chỉ làm cho phòng khách thêm đẹp, trang nhã, sáng sủa mà còn cho em biết được thời gian của từng ngày mà cố gắng học tập làm việc, không để thời gian trôi đi một cách uổng phí. Thời gian là vàng ngọc của cuộc sống con người.

Bài làm 8: Đoạn thơ tả tờ lịch

Trang bìa bức tranh toàn cảnh Hồ Gươm ở Thủ đô Hà Nội với Tháp Rùa cổ kính soi bóng trên mặt hồ trong xanh, ở góc bên trái bức tranh hàng chữ “Chúc mừng năm mới” được viết theo kiểu chữ “Phăng-tê-gi” bằng màu vàng tươi, mềm mại và bay bướm, ở dưới cùng của bức trước là dòng chữ tiếng Anh “Happy New Year” màu hồng đậm cũng hết sức duyên dáng yêu kiều. Và dưới cùng là mấy dòng chữ “Nhà sách Minh Trí” chuyên bán sỉ, lẻ và trao đổi các loại sách giáo khoa, tham khảo giáo dục, khoa học kĩ thuật, ngoại văn, văn phòng phẩm và dụng cụ học sinh. Địa chỉ 90 đường Độc Lập, phương 17 quận Tân Phú thành phố Hồ Chí Minh”.

Bài làm 9: Đoạn văn tả tấm lịch

Tấm lịch được làm bằng một loại bìa cứng, dày như bìa của một cuốn sổ tay. Phủ trên tấm bìa là một loại nhũ óng ánh màu bạc lấp lánh như kim tuyến. Mỗi buổi sáng khi ánh bình minh chiếu vào, tấm lịch sáng lấp lánh như bầu trời xanh dát những ngôi sao bạc chấp chới, phản chiếu những tia sáng lóa mắt. Phía trên tấm lịch chiếm trọn hai phần ba kích thước là một bức tranh phong cảnh rất đẹp. Đó là bức tranh vẽ cảnh Hồ Gươm ở thủ đô Hà Nội khi buổi bình minh đang lên. Nhìn ra xa, những gợn sóng nhỏ dần, nhỏ dần… rồi cuối cùng là một tấm gương phẳng trắng óng ánh những tia nắng của buổi ban mái. Xa xa ở giữa hồ là Tháp Rùa đứng uy nghi với vẻ trầm mặc muôn thuở giữa cồn cỏ xanh óng mượt. Trên đỉnh tháp là ngọn Quốc kỳ đang phần phật tung bay. Đằng sau tháp là hàng cây um tùm đang soi bóng xuống mặt hồ trong xanh.

Bài làm 10: Tả cái trống

Tôi vốn là một hình trụ tròn, khum khum như hình cái chum đựng nước. Cái bụng phình to như một vận động viên cử tạ. Thân hình được ghép bằng những thanh gỗ dẹt và hai đai mây bện chặt ô vòng ngoài. Bộ áo khoác thường ngày của tôi màu đỏ thẫm được may từ hồi tôi mới ra dời và luôn được các anh chị học trò lau chùi thường ngày nên lúc nào cũng cảm thấy mới. Ở phía hai đầu là hai tấm da trâu được đính vào thân trông bằng vô vàn những chiếc đinh làm bằng tre cật. Người ta gọi là mặt trống. Đúng tôi có hai cái mặt. Chính giữa cái mặt nhẵn thín ấy là cái miệng tròn vành vạnh được người ta tạo ra cho tôi. Hễ vỗ vào cái miệng ấy là tôi kêu lên “Tùng! Tùng! Tùng!.”.

Bài làm 11: Tả ngôi nhà của em

Dáng dấp ngôi nhà vừa mang tính hiện đại vừa pha phong cách cố kính nên rất mới lạ. Ai đến cũng đều khen ngôi nhà kiến trúc đẹp, sáng sủa, vừa gọn lại vừa xinh, phù hợp với kiểu cấu trúc nhà cửa bây giờ.
Ở phía dưới nhà gồm có bốn phòng: phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng làm việc và một khoảng trống chừng ba mét làm bể nước và phơi phóng quần áo. Bố mẹ em ngủ ở tầng trệt. Giữa nhà là một cái cầu thang đúc, rộng khoảng một mét dẫn lên lầu. Phía trên chia làm ba phòng và một sân thượng để những chậu kiểng quý. Mồi chị em sinh hoạt, nghỉ ngơi riêng một phòng. Còn một phòng nữa đế trống dành cho khách. Nền nhà được lát bằng một thư gạch bông xuất khẩu của hãng Đồng Tâm nổi tiếng. Bố chọn màu trắng có văn hoa lát suốt từ ngoài vàọ trong. Màu sắc không cầu kì nhưng sáng sủa. Hình như sự phản chiếu của màu gạch kết hợp với màu sơn xanh lơ của tường, tạo nên cái không gian trong từng phòng cái cảm giác rộng, thoáng mát, dễ chịu.

Bài làm 12: Tả ngôi nhà em đang ở

Trông xa, ngôi nhà như một hình hộp chữ nhật nằm trên một khu đất cao ráo, rợp bóng cây ăn quả. Nhà không rộng lắm nhưng gọn và đẹp mắt. Chiều ngang chừng sáu mét, chiều dài độ hai chục, được chia làm bốn phòng. Bố bảo lúc nào có điều kiện bố sẽ lên lầu cho hai chị em ở trên ấy mà học tập sinh hoạt cho yên tĩnh. Còn bây giờ mỗi chị em một phòng ở dưới.
Phòng khách được đặt một tủ thờ chạm trổ rất kỳ công. Bộ lư hương bằng đồng màu vàng diệp như tôn thêm vẻ cổ kính, trang nghiêm nơi thờ phụng ông bà tổ tiên. Trước tủ thờ là bộ ghế sa lông bằng cẩm pha gỗ còn thơm mùi vẹc ni bóng loáng, sờ vào mát lạnh cả tay”. 
Ngôi nhà nằm khiêm tốn trong khu tập thể bệnh viện, cách trường em học khoảng hai cây số. Nó được xây cách đây ba năm nhưng trông còn khá mới. Tường nhà được phun sơn màu hồng nhạt, bền màu và sáng sủa lắm. Cánh cửa chính ra vào mới được bố em sơn lại tuần trước, trông mới và bóng nhoáng. Cửa kính, cửa chớp đều được mẹ em lau chùi sạch bóng. Ngôi nhà của em được xây thành hai tầng. Tầng một là phòng khách, phòng ngủ và phòng ăn. Tầng hai gồm hai phòng và một sân thượng, ở phòng khách được kê bộ sa lông màu nâu trông thật trang nhã. Trên bàn mẹ em thường đặt một lọ hoa nhỏ làm cho căn phòng thêm lịch sự, sinh động. Trên tường được treo một bức tranh phong cảnh vùng quê miền biển chiều hoàng hôn. Phía tường đối diện là một bức tranh lụa phong cảnh miền sơn cước vào buổi bình minh. Và kia nữa là chiếc đồng hồ quả lắc, sau mỗi giờ nó buông những tiếng chuông thánh thót, ngân nga.
#HÃY LIKE HOẶC SHARE NẾU BẠN THẤY BÀI VIẾT CÓ ÍCH NHA!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét !
- Hãy bấm Theo dõi dưới chân trang để nhanh chóng nhận được những bài viết mới nhất từ Thư viện Tài liệu học tập

Support : Document Library | Master's Thesis | Initiatives experience | Training materials | Site Map | Back Link | Contact | ↑ back to top
Ghi rõ nguồn thuvientailieu.edu.vn dưới dạng liên kết khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2016. Thư viện Tài liệu học tập - All Rights Reserved
Design by Ngan Dam
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel
Template by Dameva